Sản phẩm tiêu biểu

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy sản phẩm và dịch vụ của chúng tôi thế nào?
 

Thống kê truy cập

mod_vvisit_counterHôm nay202
mod_vvisit_counterHôm qua108
mod_vvisit_counterTrong tuần559
mod_vvisit_counterTuần trước937
mod_vvisit_counterTrong tháng3387
mod_vvisit_counterTháng trước4154
mod_vvisit_counterTổng cộng549691
IP của bạn 54.163.62.42
,
UTC: 2024-03-28 23:55

Chả mực Hạ Long


Cá "giáo viên"

Nhân ngày 20-11 – Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, xin kể lại chuyện một thời - một thời đất nước còn khốn khó, tưởng như đã xa lắc, vậy mà chỉ mới đây thôi. Thế hệ 7X (của thế kỷ XX) là đã có thể nhớ được; 8X tiếp tục bị “chịu trận” (sự khốn khó), nhưng chúng còn nhỏ, nên khó nhớ. Đến 9X thì chúng hoàn toàn có thể ngạc nhiên hỏi: Ơ, mẹ ơi! Đã có chuyện đó xảy ra ư?

Đó là thời gạo khan hiếm, thực phẩm càng khan hiếm hơn. Thời đồng lương rất thấp. Nghề giáo viên lương càng thấp. Có câu: "Nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà đài/ Bốn nhà cộng lại bằng hai nhà nghèo" để nói về cảnh nghèo khó của những "nhà" ấy, thời ấy.

"Nhà" của người viết bài này nằm trong câu đó: nhà giáo + nhà báo.

Cá ót khi còn tươi có bọt nhớt.
Cá ót khi còn tươi có bọt nhớt.

Cá ở biển, người ta kéo giã, đẩy te..., con lớn đã chọn hết, còn lại một mớ cá hổ lốn, trong đó nhiều nhất là cá ót, thứ cá thịt chẳng thấy đâu, toàn những xương và xương thì rất cứng, nấu riêu, ăn không khéo là hóc; hóc xương cá này thì thôi rồi, khạc muốn lôi ra cả họng, nên cá còn được người ta đặt cho cái tên nghe rất mỹ miều, nhưng hàm chứa đầy một sự hài hước đau xót: cá long hội - nói lái của chữ lôi họng (cá lôi họng).

Cầm một tý tiền ít ỏi đi chợ, người nữ giáo viên lượn khắp, nhưng thứ gì cũng đắt, không mua được gì, cuối cùng phải mua thứ cá hổ lốn, nhỏ bé kia. Gặp giáo viên A, giáo viên B, giáo viên C... như không hẹn mà gặp, mọi người đều chìa ra mớ cá vừa mới mua, chúng giống nhau y hệt. Họ cười với nhau như mếu.

Giáo viên đi chợ, nếu muốn mua cá, cá nhiều, nhưng tiền chỉ mua được cá ót, cá lẹp, không thể mua được thứ cá nào khác, vì vậy lâu dần, người ta gọi đó là cá “giáo viên”.

Thôi thì, sự đời đã nghiệt ngã, thì nói cho hết, do đời chứ đâu phải do mình: Thứ cá ấy đầu tiên còn có tên gọi khác - gọi là cá “lợn”. Người ta mua về nấu cho lợn ăn. Nay chủ yếu là giáo viên mua về ăn được, thì gọi là cá “giáo viên”. Thế thôi!

Nhưng sự đời, lại là cái sự đời: “Thấy biển Đông ba lần biến thành ruộng dâu” (kiến Đông hải tam vi tang điền)! “Vật đổi sao dời”. Bây giờ người giáo viên đi chợ, có thể mua được thứ cá khác, ngon hơn, thì thứ cá “giáo viên” kia lại không có nhiều, nhất là cá ót, và bỗng nhiên chúng lại trở thành thứ cá đặc sản, bán đắt, không có mà mua, vì nó là thứ cá thiên nhiên, cá “sạch”, không phải cá nuôi, không sợ có hoá chất độc hại. Bây giờ mà mua được mớ cá ót về nấu riêu, người giáo viên lại phải đắn đo, cho dù nấu riêu thứ cá này chủ yếu chỉ để ăn nước, bởi chúng đắt hơn (nên không thể mua nhiều) thay vì mua nấu một nồi riêu bằng thứ cá khác, hoặc loại khác, như riêu hà, riêu cá cơm v.v.

Kéo lưới giã, sẽ có cá giáo viên.jpg
Kéo lưới giã, sẽ có cá giáo viên.

Trở lại thời khó khăn ấy. Mớ cá mua về, vợ chồng tôi xúm vào làm. Cá ót để riêng, các thứ cá còn lại thì đánh vảy, thì mổ, lách cách dao thớt, sau đem kho, làm thành thức ăn mặn. Nếu mớ cá chỉ toàn cá ót, chọn những con cá ót đồng tiền, để làm chả, loại cá ót tròn, ót gai còn lại cắt chéo giữa đầu và phần ngực bụng, bóp bụng, gạt bỏ lòng cá, rửa sạch để nấu riêu.

Cá ót đồng tiền ngồi băm nhuyễn, hoặc lúc ấy, nhà nào có cái máy xay Liên Xô thì xay, rồi trộn lẫn với hành lá, thì là, chút gia vị, nặn viên, đem rán rồi rim, thành thức ăn mặn. Có để vài viên rán vàng, cho cái Thảo, con gái tôi, thế hệ 8X, ăn nếm. Mùi cá rán thơm nức mũi.

Và đây là món cá ót giáo viên nấu riêu...

Dễ đã gần hai mươi năm, bạn mới lại có dịp quay lại thăm. Bạn bảo, Hạ Long thay đổi nhiều quá, so với hai mươi năm trước đây thật một trời một vực, chứng tỏ đời sống người dân Quảng Ninh ngày một khấm khá, “mà xem ra lắm người giàu! Nhà cửa được xây dựng san sát...”. Bạn lại hỏi: “Món riêu “long hội” vẫn sẵn đấy chứ?”. Trả lời: không sẵn lắm, giờ lại đắt đỏ hơn. Song không sao, chiều nay mời bạn thưởng thức lại. Bạn bảo: Không phải lần ấy bị hóc mà nhớ riêu cá “long hội”. Mà vì nó ngon ngọt quá! Lần này lại muốn được thưởng thức lại...

Cá ót - một loài cá biển, người Hạ Long phân biệt ra nhiều loại: cá ót tròn, cá ót gai, cá ót chỉ vàng, cá ót đồng tiền, cá ót đĩa... tuỳ vào hình dáng, kích cỡ và dấu vết đặc biệt của chúng. Chẳng hạn, cá ót chỉ vàng có một vạch như sợi chỉ vàng chạy dọc giữa thân, mình hơi thuôn dài; cá ót đồng tiền mình tròn, nhỏ như đồng xu; cá ót đĩa to bằng bàn tay v.v. Mỗi loại cá ót ấy phù hợp với một cách thức chế biến món ăn khác nhau: cá ót đồng tiền băm viên làm chả; cá ót chỉ vàng để rán; cá ót đĩa thì kho, rán hoặc sốt... Nấu riêu, người ta thường chọn cá ót tròn (mình khá tròn, dày mình), hoặc cá ót gai (mình mỏng hơn cá ót tròn, hơi thuôn dài, khi bị nấu chín, vây lưng của nó xoè ra, trông như một hàng gai). Trong các loại cá ót dùng để nấu riêu, cá ót tròn là ngon hơn cả.

Cá ót để nấu riêu phải chọn loại thật tươi. Kinh nghiệm của các bà đi chợ, mớ cá được mua mình sáng ánh bạc, có nhiều nhớt có bọt thì cá ấy đang tươi. Mua thêm cà chua, me, thì là, hành hoa, rau sống (xà lách, rau mùi là ngon nhất, nếu không có thì dùng rau muống chẻ) để chuẩn bị cho món riêu cá này.

Cá mua về làm sạch, để ráo, cho vào xoong ướp chút muối hoặc bột canh, mỳ chính, để sẵn. Phi thơm hành, cho cà chua, nêm nước mắm, bột gia vị vào, xào chín (với người không thích béo thì không xào cà chua mà cho cà chua thái miếng trực tiếp vào nước me); sau đó đổ sang nồi nước me (me đã được nấu chín, dằm, lọc bỏ bã, lấy nước chua vừa ý); đun sôi lại rồi cho cá vào, đun sôi tiếp chừng 3-4 phút, nêm thêm gia vị cho vừa ăn, cho thì là, hành hoa rồi bắc ra. Một nồi riêu cá ót đạt tiêu chuẩn, cá phải vừa chín tới, còn nguyên con, không vỡ nát, vị đậm vừa ăn, vị chua vừa ý, dậy màu đỏ của cà chua, điểm xuyết màu xanh của hành hoa, thì là. Ăn nóng, kèm với rau sống. Kiểu ăn thích nhất là cơm nóng, chín tới, chan đầy nước riêu nóng, gắp rau sống bỏ vào bát cơm, xì xụp và, vừa ăn vừa thở, người toát mồ hôi do nóng, do cay (nếu ăn được ớt). Ăn món canh này vào những ngày se lạnh hay mùa đông thì tuyệt.

Thứ cá còn lại sau nhặt gọi là cá lợn hoặc cá giáo viên.jpg
Thứ cá còn lại sau nhặt gọi là cá lợn hoặc cá giáo viên.

Món riêu cá ót ít có ở các nhà hàng, nếu muốn ăn có thể phải gọi điện thoại đặt trước. Sở dĩ như vậy vì món này chỉ chủ yếu là ăn... nước. Thịt cá ót không nhiều, lắm xương, ăn không khéo là bị hóc. Đang trong bữa tiệc bị hóc thì...! Bù lại, nước riêu cá ót, theo cảm quan của người viết bài này chắc chắn là ngon hơn nước các loại riêu cá khác, như riêu cá song, cá mú, lòng cá sủ chẳng hạn. Nó có vị hơi tanh, rất đặc trưng, không thấy có ở các món riêu nấu từ những loại cá khác; có lẽ vì thế mà món riêu cá này người ăn cảm thấy rất “đưa cơm”, và nhất thiết phải ăn nóng chăng!? Cũng có thể vì lý do khác, so với các loại cá dùng để nấu riêu, món cá ót dù sao vẫn rẻ hơn, nhà hàng khó mà tính cao giá lên được, trong khi chuẩn bị các phụ gia để nấu cũng phải đầy đủ như nấu với các loại cá khác; hơn nữa, làm cá ót để nấu mất công hơn. Song, như trên đã nói, cái chính là sợ thực khách bị hóc.

Nhớ lại bữa ăn cùng người bạn cách đây hai mươi năm. Như đã nói, lúc ấy Hạ Long chưa phát triển như bây giờ, hàng quán còn hiếm hoi, cá mú chưa bị hút hết vào các nhà hàng, cá ót sẵn. Gia đình giáo viên - nhà báo, chẳng đủ tiền đãi bạn các món cao sang; thôi thì dùng món cá “giáo viên” vậy.

Bạn ăn, ngạc nhiên vì thấy nước riêu rất ngọt, trong khi gắp cả con cá ra bát gỡ, rất lắm xương, xương lại cứng và nhọn, thịt chẳng bao nhiêu, ăn lại thấy nhạt. Bạn lẩm bẩm nhận xét: Mọi sự tinh tuý, ngon ngọt của cá đã tiết ra nước hết... Rồi phá lên cười: Khôn ăn cái, dại ăn nước! Hoá ra trong trường hợp này các cụ lại sai ư!? Chủ nhà chưa kịp cười phụ hoạ, tán thưởng, thì hỡi ơi! Bạn đã khạc... khạc – Hóc rồi! May mà cái xương cá cắm vào họng, còn trông thấy, dùng panh gắp rút ra được. Hú vía!

Đến lượt chủ nhà bật cười ha hả: Ông biết món riêu cá này có tên là gì không? Là riêu cá “long hội”! Bạn đang ngớ ra bởi cái tên nghe cao sang, đẹp mỹ miều thì cô bé con chủ nhà mới 4 tuổi nó phô: “long hội” là “lôi họng” đấy...

Nay ngồi viết bài về cá “giáo viên”, cho Ngày nhà giáo 20 tháng 11, tôi ướm hỏi giáo viên vợ tôi: Liệu có cho nhau một bữa riêu cá giáo viên long hội? Nàng bảo: Gớm! Sao đòi ăn sang thế!...

Trần Giang Nam

Sưu tầm bởi ViệtWeb.Vn - Nguồn: Internet