Sản phẩm tiêu biểu

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy sản phẩm và dịch vụ của chúng tôi thế nào?
 

Thống kê truy cập

mod_vvisit_counterHôm nay10
mod_vvisit_counterHôm qua107
mod_vvisit_counterTrong tuần329
mod_vvisit_counterTuần trước449
mod_vvisit_counterTrong tháng2175
mod_vvisit_counterTháng trước3204
mod_vvisit_counterTổng cộng527952
IP của bạn 44.192.254.173
,
UTC: 2023-09-30 00:33

Chả mực Hạ Long


Cuộc thi sáng tác ảnh nghệ thuật về Vịnh Hạ Long: Gửi tình yêu Hạ Long qua từng góc máy

Cuộc thi ảnh nghệ thuật “Vịnh Hạ Long - Di sản Thiên nhiên thế giới” diễn ra chỉ trong vòng một tháng, nhưng đã nhận được 641 bức ảnh của 82 tác giả gửi đến. Điều đó cho thấy Hạ Long thực sự là một đề tài hấp dẫn với các tay máy trong, ngoài tỉnh...

Từ 641 bức ảnh gửi về tham dự cuộc thi, Hội đồng giám khảo đã phải cân nhắc bỏ phiếu đến 4 vòng mới chọn ra được 90 tác phẩm để đưa vào chung khảo. Sau đó, những bức ảnh lọt vào chung khảo này, Hội đồng giám khảo lại bỏ phiếu thêm 2 vòng nữa để chọn ra 11 tác phẩm trao giải. Trong đó có 1 huy chương vàng, 2 huy chương bạc, 3 huy chương đồng và 5 giải khuyến khích.

Triển lãm đã thu hút nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh và du khách nước ngoài.
Triển lãm đã thu hút nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh và du khách nước ngoài.

Sở dĩ Hội đồng giám khảo phải cân nhắc nhiều như vậy là bởi hầu hết các bức ảnh gửi về tham dự cuộc thi đều có chất lượng nghệ thuật khá đồng đều. Nếu đặt 90 bức ảnh này cạnh nhau, người xem dễ liên tưởng đang lạc vào một khu vườn có “trăm hoa đua sắc”… Và thật dễ nhận thấy là với những góc máy khác nhau, những khoảnh khắc bấm máy khác nhau v.v.. nhưng các tác giả đều gửi vào tác phẩm của mình một tình yêu sâu sắc với Hạ Long. Có thể đó là khi Hạ Long lên đèn lung linh và phẳng lặng trong bức “Bến đậu bình yên” của Hà Văn Đông (TP Hồ Chí Minh) hay cái bừng sáng của thành phố bên bờ Di sản như soi mình xuống sóng nước trong bức ảnh “Hạ Long vào đêm” của Vũ Thành Chung (tác phẩm được HCV) v.v.. Mỗi người yêu Hạ Long một kiểu, thích Hạ Long ở một khoảnh khắc riêng. Với NSNA Lại Diễn Đàm (Hà Nội), đó là Hạ Long lúc sương mờ buổi sớm khi bình minh ló rạng. Cả hai bức ảnh về buổi sớm Hạ Long của ông đều đã được trao giải (1 HCĐ và 1 khuyến khích). Nhiều tác giả khác cũng yêu cảnh bình minh của Hạ Long, như: Quang Thuần, Tân Việt, Hoàng Minh, Nguyễn Phụng Chí, Đoàn Đức Chính, Hà Văn Đông… nhưng khi xem ảnh của họ, vẫn không cảm thấy nhàm chán.

Đi vào khai thác các hang động là các NSNA: Minh Nhật, Hoàng Hải, Đỗ Khánh, Đào Quang Minh, Phạm Ánh Nam… Bên cạnh đó, nhiều tay máy lại khai thác nét đẹp trong cuộc sống thường ngày trên Vịnh. Nếu như Trần Đạo Lai yêu cái sầm uất của bến tàu du lịch thì Nguyễn Tiến Thuyên lại thích cảnh một cánh chim đại bàng chao lượn trên mặt Vịnh, Khắc Đạm lại say mê quan sát cảnh ngư dân buông câu, Hoàng Minh ngơ ngẩn trước vẻ đẹp của làng chài…

Khác với những tác giả trên, NSNA Đỗ Khánh Giang lại đi sâu khai thác cái biến ảo của đá và nước Hạ Long. Hai bức được giải của anh là “Ngọc đá” và “Buồm đá” đều thể hiện cái nhìn mới về Hạ Long. Riêng “Ngọc đá” của Đỗ Khánh Giang (bức ảnh được trao HCĐ) được NSNA Vũ Quốc Khánh, Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam, đánh giá cao ở cái nhìn mới khi chụp Hạ Long qua một vòm hang. Vòm hang đã tạo ra một cái khung bao lấy cảnh Hạ Long với đá núi lô nhô, nước trong xanh như ngọc có thể nhìn thấu đến tận đáy. Bức ảnh đem đến một thông điệp rằng, Hạ Long quý giá như ngọc ngà, cần phải giữ gìn, bảo vệ tài sản vô giá đó. Ngoài 2 bức ảnh này, Đỗ Khánh Giang còn được chọn 13 bức ảnh khác để triển lãm.

Cũng phải nói thêm, trong số hơn 600 bức ảnh gửi về thì có đến 500 bức là của các tác giả ngoài tỉnh. Điều đó cho thấy Hạ Long không chỉ là tình yêu của người Quảng Ninh mà còn là nỗi nhớ niềm thương, là ngọn nguồn xúc cảm của nghệ sĩ trên mọi nẻo đường Tổ quốc.

Nhưng có lẽ cũng vì quá ham mê chạy theo xúc cảm nghệ thuật nên bên cạnh những ưu thế đạt được, ảnh tham dự cuộc thi này vẫn còn gặp những hạn chế như: Chưa chuyển tải được hết mọi góc cạnh, chưa nêu bật được những nét văn hoá đặc trưng, những sản phẩm du lịch riêng có. Về nghệ thuật, có quá ít những bức ảnh thể hiện sự đột phá về tư duy sáng tạo, rất nhiều bức ảnh được chụp toàn cảnh, thiếu sự đào sâu đặc tả về đối tượng.

Mặc dù vậy, các tác phẩm đoạt giải lần này đã góp phần đắc lực trong việc tôn vinh, quảng bá và khẳng định vị thế của Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long trong lòng bè bạn. Điều đó cũng đúng với phát biểu của ông Nguyễn Công Thái, Phó Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, tại buổi khai mạc triển lãm ảnh: “Bằng những cảm nhận tinh tế, niềm say mê sáng tạo, sự cố gắng không mệt mỏi, và trên tất cả là tình yêu dành cho Hạ Long, các tác giả đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật có giá trị, đem lại cho người xem những góc nhìn mới lạ về Hạ Long trên bước đường 20 năm của sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản”.

Phạm Học

Sưu tầm bởi ViệtWeb.Vn - Nguồn: Internet